Theo kế hoạch, địa phương này sẽ phấn đấu khởi công dự án vào khoảng quý III/2024.
Theo kế hoạch từ UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh sẽ phấn đấu khởi công dự án Vành đai 4 - TP. HCM vào khoảng quý III/2024.
Theo đó, hiện nay nhu cầu sử dụng đất cho dự án Vành đai 4 - TP. HCM khoảng 419,6ha, trong đó tuyến chính 413,4ha, tuyến kết nối 6,2ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 18.247 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ phấn đấu khởi công dự án vào khoảng quý III/2024.
Cụ thể, dự án thành phần 1- giải phóng mặt bằng đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tổ chức họp dân công bố chủ trương đầu tư. Hiện đang thực hiện các thủ tục để lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo quy định.
UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng 2 đợt, công tác thực hiện hồ sơ phê duyệt thiết kế ranh giải phóng mặt bằng đạt 67%.
Theo ông Trần Hùng Việt - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, hiện nay công tác phê duyệt hồ sơ thiết kế ranh và bàn giao ranh giải phóng mặt bằng ngoài thực địa bị trễ so với kế hoạch.
Ngoài ra, kế hoạch giao vốn cho dự án gần 6.633 tỷ đồng nhưng chưa thể giải ngân được làm ảnh hưởng tiến độ tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung của tỉnh.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bàn giao ranh giải phóng mặt bằng và sớm hoàn chỉnh thẩm định hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng đối với các đoạn còn lại.
Đối với dự án giải phóng mặt bằng đường Thủ Biên - Đất Cuốc, phần hiện hữu công trình đã chi tiền bồi thường đạt 97%, bàn giao mặt bằng đạt 94%, còn lại 14 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, công tác bàn giao mặt bằng bắt đầu từ ngày 30/6-31/12/2024. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đến nay đơn giá bồi thường đất chưa được phê duyệt làm ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt phương án bồi thường, chi trả tiền và bàn giao mặt bằng của dự án theo kế hoạch.
Liên quan đến nguồn vốn cho dự án Vành đai 4 - Vùng TP. HCM, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết đường Vành đai 4 được thực hiện dựa trên ba nguồn gồm: Thứ nhất là vốn huy động xã hội hóa (đối tác công tư PPP), doanh nghiệp sẽ xây lắp; thứ hai là nguồn nhà nước bồi thường (trong đó vốn Trung ương 50% và địa phương 50%); thứ ba là nguồn của địa phương.
Về giải pháp để làm sao bố trí được nguồn vốn thực hiện Vành đai 4, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương sẽ cân đối bằng việc cắt giảm các công trình chưa quan trọng để dành vốn cho dự án trọng điểm này. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đang xây dựng phương án đấu giá đất, nếu thực hiện suôn sẻ thì sẽ có nguồn thu từ đất.
Về thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề xuất cần rút ngắn thủ tục về đầu tư công, giống như dự án Vành đai 3 đã triển khai.
Về lâu dài, Bình Dương cũng kiến nghị Trung ương quan tâm có chính sách, cơ chế tháo gỡ nhằm tăng tỉ lệ điều tiết nguồn ngân sách địa phương được hưởng để tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng, vì hiện nay tỉnh đang thuộc nhóm địa phương trong vùng Đông Nam Bộ có tỉ lệ điều tiết ngân sách địa phương bình quân được hưởng khá thấp so với các vùng khác.
Từ ngày 1/5/2024, Bình Dương sẽ trở thành tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước khi thị xã Bến Cát chính thức lên thành phố trực thuộc tỉnh. Theo đó, 5 thành phố của tỉnh Bình Dương là: Bến Cát, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Thuận An và Dĩ An.
Quốc Chiến